Bác Hồ với ngư dân Sầm Sơn

Một ngày tháng 7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm bà con ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa). Nắng không gợn một chút mây. Chiếc Pô-bê-đa màu sữa chở Bác đến Sầm Sơn. Bác cải trang như một lão ngư, quần cộc, áo cộc, đi dép cao su…

 

“Biển bạc là của ta, do nhân dân ta làm chủ”

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một ngày tháng 7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm bà con ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa). Nắng không gợn một chút mây. Chiếc Pô-bê-đa màu sữa chở Bác đến Sầm Sơn. Bác cải trang như một lão ngư, quần cộc, áo cộc, đi dép cao su, đội mũ cát sờn mất chỏm, quấn cổ bằng chiếc khăn mặt bông để giấu bớt bộ râu. Xóm chài vắng vẻ. Đến hai nhà đầu mọi người đều đi vắng. Ở biển, bà con đi làm rất sớm. Đến nhà thứ ba thấy một ông cụ già đang khề khà ngồi trên chõng bên be rượu với đĩa chân giò luộc.

– Chào cụ ạ! – Bác Hồ cất lời.

– Không dám! Chào cụ ạ! – Cụ già đáp lại Bác Hồ – Mời cụ nhắp với tôi một nhắp.

– Cảm ơn cụ! – Bác cảm ơn rồi lịch sự từ chối – Chúng tôi đã ăn sáng rồi. Đoạn Bác hỏi ông cụ về đời sống của ngư dân: Thưa cụ, đời sống xã viên ở đây ra sao ạ?

Ông cụ không cần đắn đo suy nghĩ, trả lời ngay: Cảm ơn cụ. Nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ, đời sống xã viên chúng tôi sung sướng lắm ạ!

– Chào cụ, chúng tôi xuống bãi.

Khi đã đi khuất, Bác dừng lại bảo: “Các chú đã thấy chưa? khi dân chưa hiểu chúng ta thì không bao giờ người ta nói sự thật đâu”.

Rời xóm chài, Bác dẫn chúng tôi xuống bãi biển. Một không khí lao động tấp nập diễn ra. Bác bước nhanh tới. Thấy mấy cụ già đang soải chân thang kéo rùng (kéo lưới) vất vả, Bác vào cùng, đứng trước một cụ già cũng xoải chân thang cật lực kéo sợi dây. Cụ già thấy một ông cụ lạ và mấy người cùng kéo lưới giúp thì mừng vui, vừa làm vừa trò chuyện rôm rả. Mồ hôi nhễ nhại, Bác bỏ mũ, cởi cả áo, cả khăn lộ hết bộ râu, không ai nhận ra người cùng kéo dò áng (kéo dây lưới vây) là Bác Hồ, có lẽ họ nghĩ đây là một ông cụ già tốt bụng cùng một số cán bộ về nghỉ mát.

Sau đó, Bác dẫn mọi người đi thăm không khí lao động nhộn nhịp của người dân trên bãi cá. Nơi này chuyển cá dưới thuyền lên bãi cát. Nơi kia từng đoàn gánh cá đi, chỗ khác, mấy bà đang vun cá lên như đống lúa… Gặp chỗ nào đang khẩn trương công việc là Bác xắn tay vào. Bác nhập cuộc rất nhanh và thuần thục. Thấy mấy bà đang bốc cá vào thúng như chia cá, Bác ngồi xuống trò chuyện, Bác hỏi một ngư dân:

– Mùa này đánh bắt được nhiều cá, bà con tha hồ phấn khởi, tha hồ ăn cá, phải không các bà?

– Phấn khởi gì mà phấn khởi hở cụ.

– Sao lại không phấn khởi?

Một bà nhanh nhảu trả lời:

– Cụ bảo chúng tôi tha hồ ăn cá ư? Có mà ban quản trị nó móc họng ra. Đây là cá của các ông ban quản trị, chứ có phải cá của xã viên đâu. Chúng tôi gánh cá là gánh cá về cho chủ nhiệm đấy cụ ơi. Còn chúng tôi chỉ ăn những con tép vụn vặt mà thôi.

Bà con trả lời thật thà mà ngay thẳng. Bác đứng lên tiếp tục đi quanh bãi cá. Thời gian ấy Người đang viết dự thảo điều lệ hợp tác xã nông nghiệp. Bác bảo: Phải khoán cho người lao động, có khoán người ta mới có ăn, có ăn mới lao động tốt.

PV.

Có lẽ không ở nơi đâu lại có những bãi biển nguyên sơ và đẹp đẽ như ở Cô Tô. Bãi Bác Hồ, Hồng Vàn, Vàn Chảy. Các bãi biển đều kéo dài hàng cây số với bờ cát mịn, trải dài trắng phau. Dịch vụ du lịch ở đảo Cô Tô chưa phát triển ồ ạt. Ðôi chút khó khăn để tìm kiếm các nhà hàng ăn uống chu đáo hay các dịch vụ vui chơi giải trí. Bù lại, sự thanh bình, lòng mến khách của cư dân trên huyện đảo khiến du khách hài lòng khi đến với Cô Tô.

 

Khám bệnh cho người dân trên huyện đảo.

Theo hải trình chuyến công tác, phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống có dịp tới huyện đảo Cô Tô bằng tàu quân sự của Bộ đội biên phòng Quảng Ninh. Cô Tô là huyện đảo nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Vùng biển đảo Cô Tô nằm ở tuyến khơi, tiếp giáp với đường phân định vịnh Bắc bộ có gần 50 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích phần đất nổi 46,2km2 với 5.856 nhân khẩu.

Vang vang tiếng trẻ học i tờ.

Một góc chợ Cô Tô.

Cô Tô là nơi duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng tượng của mình khi Người về thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo vào ngày 9/5/1961. Với hải trình hơn 50 hải lý, sau gần 3 tiếng vượt trùng khơi, đoàn chúng tôi “đổ bộ” lên huyện đảo Cô Tô từ cầu cảng Thanh Lâm. Sự thanh bình, thư thái và cảm giác nguyên sơ, tinh khiết là những cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến Cô Tô.

Người dân đảo Cô Tô không có thói quen… rút chìa khóa ra khỏi xe. Khi đến với hòn đảo yên bình này, hoàn toàn không phải lo lắng về tình hình an ninh hay trộm cắp. Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi một thành viên trong đoàn khi đi chợ Cô Tô buổi sớm còn… mượn được xe của người bán hàng để đi khảo sát huyện đảo cả ngày trời.

Thu mua hải sản ngay khi tàu cập cảng.

Sự thân thiện được thể hiện ngay khi du khách bước chân lên cảng, với những người xe ôm, bán hàng tại cảng. Là một hòn đảo xa xôi, nhưng Cô Tô lại được đầu tư mạnh về giao thông đường bộ và đường thủy. Các con đường nối các điểm tham quan, chạy dọc các bãi biển vô cùng thuận tiện cho du khách đi dạo, ngắm cảnh trong khung cảnh nên thơ giữa biển và rừng.

Chờ thuyền về bến.

Một điểm dễ nhận thấy trong cuộc sống thường nhật trên huyện đảo là bóng dáng thân thương với màu áo xanh của các anh lính biển đảo, màu áo của những chiến sĩ quân y. Theo thượng tá Nguyễn Văn Đức – Thuyền trưởng chỉ huy tàu biên phòng thuộc hải đội 2 biên phòng Quảng Ninh tâm sự: ở nơi đầu sóng ngọn gió này, người lính biển đảo luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Thu dọn vệ sinh trên bãi biển Cô Tô.

Với chúng tôi, bất kể ngày hay đêm, lúc biển yên bình hay khi biển động, bất kỳ khi nào người dân trên huyện đảo cần sự trợ giúp, đặc biệt là những tình huống phải chuyển bệnh nhân cấp cứu vào bờ vì bệnh tật, hay gặp nạn trên biển cần hỗ trợ chúng tôi đều có mặt. Cùng với đó, công tác chăm sóc y tế trên huyện đảo cũng được quan tâm đầu tư phát triển.

Trung tâm y tế huyện có cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại chỗ cho nhân dân cơ bản đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Có lẽ chính vì những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống được đảm bảo bền vững mà người dân trên huyện đảo Cô Tô dù ở cách xa đất liền vẫn yên tâm bám biển, bám đảo. Cuộc sống bình yên luôn ngự trị nơi này.

SKĐS0512

Viện Hải dương học (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) đã khai trương phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Tại phòng trưng bày giới thiệu các tài liệu, tư liệu lịch sử về các nghiên cứu khoa học tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các hình ảnh, tư liệu về các hoạt động khảo sát, nghiên cứu của Viện Hải dương học tại các vùng biển, các quần đảo trên; các mẫu sinh vật, địa chất… thu được tại các vùng biển, quần đảo trên; một số loài sinh vật biển sống tại các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thuần hóa và cho sinh sản nhân tạo tại Viện Hải dương học…

Xem tiếp…

Vùng biển Cô Tô (Quảng Ninh) được coi là “rốn” sứa của miền Bắc. Hàng năm cứ vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, ngư dân trên huyện đảo Cô Tô lại nô nức vào vụ đánh bắt và chế biến sứa. Hiện, trên đảo có hàng chục cơ sở chế biến sứa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Mỗi vụ các cơ sở chế biến hàng ngàn tấn sứa thành phẩm, thu hút hàng ngàn lao động thời vụ.

Sứa sau đánh bắt được cắt nhỏ, làm sạch nhớt rồi cho vào bồn ngâm muối với tỷ lệ nhất định, đây là khâu quan trọng quyết định chất lượng của sứa. Trước kia, muốn ăn sứa thường phải đợi đến mùa hoặc phải đến tận vùng biển có sứa, nay với sản phẩm sứa sau khi chế biến được ngâm với dung dịch muối nên có thể bảo quản được đến cả năm nên chúng ta có thể thưởng thức hương vị sứa biển vào bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Những thùng sứa được đóng gói tại một cơ sở chế biến sứa ở xã đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô

Vận chuyển sứa đi tiêu thụ

Sản phẩm sứa sau khi ngâm muối

Kiểm tra sản phẩm sứa trước khi đóng gói

tại cơ sở nhà anh Nguyễn Duy Quý ở thôn 1, xã Thanh Tân, huyện Cô Tô

Công nhân làm việc tại một cơ sở chế biến sứa ở xã Thanh Lân, huyện Cô Tô

Đóng gói sứa

Sản phẩm chân sứa

Nguyễn Chu Hồi

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

1. Vị thế và tiềm năng của biển Việt Nam

Nằm ven bờ biển Đông, vùng biển nước ta án ngữ các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản. Biển Đông đóng vai trò là “cầu nối” đặc biệt quan trọng giữa nước ta với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới. Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu và một phần giao lưu nội địa của nước ta được vận chuyển bằng đường biển qua biển này. Trong vài thập kỷ tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực và của nước ta, khối lượng hàng hoá vận chuyển qua biển Đông sẽ tăng gấp hai lần hiện nay, khi đó biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong giao lưu và thương mại quốc tế.

Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền, có bờ biển dài trên 3.260km (không kể bờ các đảo), khoảng gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích gần 1.700km2, trong đó có 23 đảo có diện tích trên 10km2, 82 đảo có diện tích trên 01km2. Về đơn vị hành chính, cả nước có 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc trung ương, trong đó có 12 Huyện đảo([1]). Các đơn vị hành chính trên có vị trí hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền và an ninh, quốc phòng trên biển cũng như vươn ra chinh phục biển cả của nước ta. Các huyện đảo cũng là địa bàn chính trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội các đảo Việt Nam đến năm 2020 vừa được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2010.

Tiềm năng tài nguyên biển của nước ta rất đáng kể và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là dầu khí. Đến nay, trong vùng biển Việt Nam đã biết khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý, khoáng sản lỏng. Khu vực vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa Việt Nam là những nơi có tiềm năng dầu khí và hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại 6 mỏ ở thềm lục địa phía nam. Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát của nước ta có trữ lượng khoảng 3-4 tỷ tấn dầu quy đổi. Ngoài ra, dọc ven biển đã phát hiện được các sa khoáng khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quí như titan, ziacon và xeri và 50.000-60.000 ha ruộng muối biển. Đặc biệt sự phát hiện mới đây ở vùng cát ven biển và biển ven bờ nam Trung Bộ cho thấy trữ lượng các sa khoáng nói trên có thể đứng đầu thế giới. Sản lượng khai thác Inmênit từ các sa khoáng ven biển cả nước là 220.000 tấn/năm và Ziacôn 1.500 tấn/năm. Gần đây, đã phát hiện một số mỏ cát dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng chừng trên 100 tỷ tấn. Cát thuỷ tinh nổi tiếng là mỏ Vân Hải (trữ lượng 7 tỷ tấn), Vĩnh Thực (20.000 tấn) và một dải cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn). Băng cháy, một loại khí Hydrate Metan, hình thành trong điều kiện áp suất cao nhiệt độ thấp cũng là dạng năng lượng có triển vọng ở biển Đông và biển Việt Nam.

Nguồn lợi hải sản với trữ lượng khoảng 5 triệu tấn, khả năng cho phép khai thác 2,3 triệu tấn/năm. Dọc ven biển có hơn 800.000 ha bãi triều và các vịnh, đầm phá ven bờ rất thuận lợi để nuôi trồng các loại thuỷ sản có giá trị xuất khẩu cao như tôm, cua, ngọc trai, cá mú, rong câu,…để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản ở biển và ven bờ với quy mô lớn, hiện đại và toàn diện, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, ổn định, với khả năng cạnh tranh cao.

Dọc bờ biển nước ta có trên 50% số đô thị lớn của cả nước, có trên 100 điểm có thể xây dựng cảng, trong đó có nơi có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; nhiều đảo có tiềm năng phát triển kinh tế cao với tư cách là các khu hậu cần cho khai thác biển xa. Nước ta có hơn 125 bãi biển lớn, nhỏ có cảnh quan đẹp, trong đó 20 bãi biển đủ tiêu chuẩn quốc tế để phát triển các loại hình du lịch biển (hiện nay chúng ta mới chỉ khai thác chừng 30 bãi biển vào mục đích nghỉ mát, du lịch). Trong tương lai, nước ta sẽ có những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển lớn và hiện đại tầm cỡ quốc tế.

Vùng ven biển nước ta có dân cư khá đông đúc, nguồn lao động khá dồi dào với khoảng trên 25 triệu dân, bằng khoảng 30% dân số cả nước và khoảng 13 triệu lao động. Dự báo đến hết năm 2010 dân số vùng ven biển khoảng 27 triệu người với 18 triệu lao động; năm 2020, dân số khoảng 30 triệu người với 19 triệu lao động. Đây là lực lượng rất quan trọng đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế biển đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng và thực hiện chủ trương dân sự hóa trên các vùng biển, đảo của tổ quốc. Khoảng trên 20 triệu người dân ven biển và trên các hải đảo có sinh kế trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào nguồn lợi biển đem lại. Tuy nhiên, trình độ dân trí ở nhiều nơi còn thấp, cuộc sống của số đông cư dân, nhất là vùng bãi ngang ven biển còn rất khó khăn và chịu nhiều rủi ro, đặc biệt vẫn còn khoảng 157 xã bãi ngang ven biển đang trong tình trạng nghèo khó.  

2. Các khía cạnh liên quan đến định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng biển, đảo và ven biển trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020

Nhận thức rõ vị trí chiến lược của biển, hải đảo đối với kinh tế và an ninh quốc phòng, Đảng ta đã sớm có những chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán qua các thời kỳ về vấn đề này. Ngay sau khi nước ta giành được độc lập, ý thức của dân tộc Việt Nam về biển đã được hội tụ trong câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” khi Người về thăm làng cá Tuần Châu (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) vào dịp cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1959. 

Về mặt chủ trương, tiếp sau Hiến pháp nước ta năm 1992 sửa đổi (Điều 1) khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta trên biển, Bộ Chính trị (ngày 6 tháng 5 năm 1993) đã ra Nghị quyết 03-NQ/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Nghị quyết này đã chỉ rõ: “Vị trí và đặc điểm địa lý của nước ta cùng với bối cảnh phức tạp trong vùng vừa tạo điều kiện, vừa đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển. Phấn đấu trở thành một nước mạnh về kinh tế biển”. Quan điểm chính trị đó tiếp tục được cụ thể hóa trong Nghị quyết của các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX. Theo đó, trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010) đã chỉ rõ: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế”.

Đến Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khoá X) năm 2007, Đảng ta đã thông qua Nghị quyết 09-NQ-TW về ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, xác định mục tiêu đến năm 2020 “phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”. Có thể nói, chiến lược này thể hiện tư tưởng chỉ đạo và ý chí chính trị của Đảng và Nhà nước ta đối với biển và hải đảo, “không gian sinh tồn và phát triển” của đất nước. Định hướng phát triển như vậy dựa trên thế mạnh, tính đặc thù và việc phát huy lợi thế của biển nước ta trong bối cảnh cụ thể của khu vực Biển Đông, cũng như việc bảo đảm lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế về biển. Trong đó đã tính đến vai trò quan trọng của các cộng đồng dân cư ven biển và trên các hải đảo, cũng như của công tác dân số ở vùng biển, đảo và ven biển.

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 27/2007/NĐ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, Chính phủ đã xác định các nhiệm vụ, nội dung cơ bản giao cho các bộ, ngành, địa phương liên quan quán triệt và triển khai trong thực tế. Một trong những nhiệm vụ tập trung chỉ đạo là triển khai thực hiện là Đề án Chính phủ về kiểm sóat dân số các vùng biển, đảo và ven biển do Tổng cục Dân số – Kế họach hóa gia đình thuộc Bộ Y tế chủ trì.

Có thể nói rằng trong thời gian qua nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về khai thác, sử dụng, quản lý và phát triển biển, đảo với sự đóng góp đáng kể của các cộng đồng dân cư vùng biển, đảo và ven biển:

Một là, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng; cơ cấu ngành, nghề có thay đổi cùng với sự xuất hiện ngành kinh tế mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,…Kinh tế biển nước ta có bước phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%.

Hai là, công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đã được quan tâm hơn đã cung cấp sự hiểu biết khái quát các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên biển, đảo. Hệ thống các quy định kỹ thuật về công tác điều tra tài nguyên, quản lý môi trường biển bước đầu được xây dựng.

Ba là, hệ thống pháp luật theo ngành được xây dựng và bước đầu phát huy tác dụng, như: Luật Dầu khí, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy sản, Pháp lệnh Du lịch, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam,…

Bốn là, các ngành và địa phương ven biển đã xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của ngành, lĩnh vực liên quan đến biển và đã có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Năm là, trong quá trình phát triển kinh tế mở, bước đầu đã hình thành các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là các khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, nghiên cứu khoa học về biển,…

Sáu là, có bước phát triển mới ở một số hải đảo, vai trò kinh tế của các đảo được chú trọng hơn. Hiện nay, các đảo có điều kiện phát triển đều có dân cư (66 đảo), kết cấu hạ tầng tăng rõ rệt, hình thành hệ thống giao thông trên đảo, nhiều đảo gần bờ có điện lưới, đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời, cơ sở cung cấp nước ngọt. Có nhiều đảo sẽ phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc,…

Bảy là, đến nay, nước ta đã ký kết một số thỏa thuận trên biển với các nước láng giềng: Hiệp định về vùng nước lịch sử Việt Nam-Campuchia (1982); thỏa thuận khai thác chung vùng chồng lấn thềm lục địa Việt Nam – Malaysia (1992); hiệp định về phân định ranh giới biển Việt Nam – Thái Lan (1997); hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (2000); hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam – Indonesia (2003). Ngoài ra, nước ta cũng tham gia ký kết các văn kiện mang tính chất khu vực về biển Đông; triển khai một số dự án hợp tác song phương và đa phương với các nước liên quan.

Tám là, quốc phòng, an ninh trên biển được đảm bảo. Ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển của người dân được nâng lên rõ rệt.

Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đưa ra các quan điểm chỉ đạo chủ yếu, như: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại; thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường biển. Chiến lược yêu cầu phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.

Chiến lược đã đưa các định hướng phát triển kinh tế-xã hội, trong đó liên quan tới công tác dân số đã nhấn mạnh đến: “nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển, trên các hải đảo và những người lao động trên biển; tạo các điều kiện cần thiết đảm bảo an ninh, an toàn cho những người dân hoạt động trên biển, đảo, người dân sinh sống ở những vùng thường bị thiên tai”.

Đánh giá vai trò của người dân đối với vấn đề quốc phòng, an ninh, Chiến lược cho rằng việc phát triển kinh tế biển phải gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển. Muốn vậy, phải sớm xây dựng các chính sách đặc biệt để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Bên cạnh đó từng bước hiện đại hóa lĩnh vực phòng, chống và cảnh báo thiên tai, cứu hộ, cứu nạn đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn đời sống dân cư và các thành phần kinh tế hoạt động trên biển, đảo và ven biển. Cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích người dân nói trên, việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như hệ thống cung cấp điện, nuớc ngọt đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế biển và phục vụ sinh hoạt của cư dân ven biển, trên biển và các đảo.

Trong bối cảnh của Biển Đông hiện nay, việc bố trí lại dân cư, phân bố lại lực lượng lao động hợp lý ở các vùng biển, đảo và ven biển có tầm quan trọng đặc biệt. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế quản lý biển, đảo và vùng ven biển ở nước ta trước mắt và lâu dài. Việc bố trí dân cư thực hiện chủ trương dân sự hóa trên biển, đảo phải gắn với tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất và khai thác biển. Trong quá trình triển khai, không nên chỉ chú ý đến việc cân đối số lượng dân cư theo vùng, miền… mà còn phải chú ý đến chất lượng dân cư gắn với tuyên truyền, giáo dục sâu rộng và có hệ thống trong nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao dân trí của các tầng lợp nhân dân và nhận thức về vị trí chiến lược của biển.

Căn cứ vào quy hoạch sử dụng hệ thống đảo, cần xác định rõ các đảo theo chức năng và thế mạnh sử dụng theo các mục đích khác nhau, trong đó có các đảo dành cho phát triển các họat động kinh tế, sản xuất, kinh doanh. Các đảo đủ điều kiện dân sinh sống thì cần tính tóan kỹ lưỡng “sức chứa dân số” và sức tải môi trường để thiết kế quy mô dân số ở những đảo như vậy, cũng như thiết kế khả năng sử lý chất thải rắn… Tránh “mang con bỏ chợ”, tránh tàn phá tài nguyên đảo và làm yếu khả năng bảo đảm an ninh, quốc phòng. quỹ đất trên các đảo mang tính hữu hạn, tiềm năng đảo có tính đặc thù, môi trường đảo rất nhạy cảm với tác động của thiên tai và chính con người. Vì vậy, phải coi trọng công tác quy hoạch chi tiết và cụ thể hóa phương án phát triển kinh tế đảo theo hướng bền vững.

3. Các giải pháp thay đổi chất lượng nguồn nhân lực biển

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với biển và hải đảo, góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, bên cạnh việc xây dựng tiềm lực và nâng cao năng lực quản lý cho toàn hệ thống quản lý nhà nước về biển từ Trung ương xuống địa phương, cần phải chú ý đến vấn đề dân số gắn với phát triển nguồn nhân lực biển. Ngay từ Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta đã xác định phát triển con người là một trong 06 đặc trưng của xã hội Xã hội chủ nghĩa, khẳng định phát huy nhân tố con người là phương hướng lớn của chính sách xã hội. Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và nhấn mạnh con người là vốn quý nhất; phát triển con người giữ vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 coi trọng phát triển nguồn nhân lực biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quản lý biển và ven biển thời gian tới.

Các giải pháp hỗ trợ chủ yếu là sớm triển khai và hoàn thành việc thống nhất đặt tên bằng tiếng Việt các đảo, các đối tượng địa lý khác ở vùng biển quốc gia và đặc biệt là cho các huyện đảo. Xây dựng mô hình tổ chức hành chính và nâng cao năng lực quản lý các huyện đảo, xã đảo nhằm phát triển mạnh kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Vùng ven biển và các đảo ở nước ta thường dễ bị tổn thương với thiên tai, cho nên cần có chính sách xây dựng nhà kiên cố cho nhân dân vùng ven biển, và chính sách khuyến khích đánh cá xa bờ, nuôi trồng thủy sản trên biển. Với đặc trưng nghề nghiệp phải bám biển mới sống được, hàng ngày hiện nay có trên 10.000 tàu đánh cá hoạt động trên khắp vùng biển chủ quyền của nước ta. Lực lượng ngư dân trên các tàu đánh cá như vậy đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Cần phải bảo đảm an sinh cho họ, hỗ trợ họ cải thiện sinh kế, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho họ yên tâm bám biển thực hiện dân sự hóa. Đặc biệt là xem lại mô hình đội hình ra biển để bảo đảm tốt hoạt động sản xuất, có khả năng bám biển dài ngày, thu được hiệu quả kinh tế cao, có khả năng cơ động cao trong tình huống an ninh xấu xẩy ra,…

Cũng tập trung giải quyết tốt vấn đề phát triển kinh tế, xã hội ở các xã ven biển, vùng bãi ngang, như: tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại khu dân cư và khu tái định cư, khu tỵ nạn… khi có thiên tai (nước biển dâng, sóng thần,…). Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú ý kết cấu mềm của các hệ sinh thái ven biển, cơ sở hạ tầng thiên nhiên của vùng ven biển. Cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.    

Đồng thời với kiểm sóat dân số vùng ven biển, phải coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực biển, tạo điều kiện thay đổi chất lượng dân số, nâng cao dân trí. Giải pháp cơ bản là phải đánh giá và dự báo đúng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tòan hệ thống quản lý nhà nước về biển và hải đảo, bao gồm: cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, các chuyên gia và đội ngũ lao động chuyên ngành kỹ thuật thuộc các lĩnh vực kinh tế biển. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch phát triển nguồn nhân lực trung hạn và dài hạn, cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo gắn với cơ chế cử tuyển để khuyến khích cán bộ khoa học và quản lý ra công tác tại các hải đảo và vùng ven biển. Khuyến khích việc xây dựng một số cơ sở đào tạo ngành, nghề về biển ở bậc đại học, cao đẳng và dạy nghề tại các thành phố ven biển nước ta. Đảng cũng yêu cầu đồng thời với việc phát triển nguồn nhân lực biển phải coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội ở vùng ven biển, đặc biệt chú ý đến kỹ năng bảo toàn tính mạng cho người lao động trên biển, hải đảo và người dân ở vùng thường bị thiên tai, sự cố môi trường như các vụ tràn dầu,…

Do các đặc thù của biển, công tác phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về biển và thay đổi chất lượng dân số cần phải gắn với đào tạo chuyên môn, ra biển và quản lý biển phải “có nghề”. Đồng thời phải đa dạng hoá các hình thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng, trong đó cần ưu tiên đào tạo con em ngư dân, người làm nghề biển, đội ngũ người lao động trên biển, đảo và ven biển thông qua “vừa học, vừa làm”, đào tạo qua công việc, tham quan học hỏi, tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ và mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, thông qua các hoạt động khoa học-công nghệ và hợp tác quóc tế về biển và hải đảo.

Bên cạnh bồi dưỡng kiến thức, các vấn đề lý luận liên quan, cần chú trọng đến đào tạo, tập huấn kỹ năng quản lý, cho nên có thể chia ra các bậc học khác nhau đối với cùng một chủ đề: A, B, C, căn cứ vào đó cấp chứng nhận và giúp tiêu chuẩn hoá cán bộ khoa học và quản lý trong lĩnh vực biển, hải đảo. Chú ý không quên lồng ghép nguyên lý “học đi đôi với hành” trong khi thiết kế một chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực sao cho vừa cung cấp kiến thức, vừa chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, đặc biệt các thực hành tốt (good practices).

4. Thay kết luận

Công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số, bố trí lại dân cư hợp lý và phát triển nguồn nhân lực nói chung là một bộ phận không tách rời của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước ta. Đây là một vấn đề mang tính chiến lược, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần phải thực hiện sớm và thường xuyên kiểm sóat được tình trạng dân số ở các vùng biển, đảo và ven biển.

Quản lý dân số chú trọng cả số lượng và chất lượng, có kế hoạch hợp lý, đưa dân ra đảo trên cơ sở chuẩn bị đồng bộ để bảo đảm các điều kiện khả thi, đảm bảo cơ sở hạ tầng, quy hoạch môi trường, xác định sức tải dân số…

Phương án phân bố lại dân cư, lao động phải gắn với quốc phòng, an ninh trên biển, gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo./.


([1]) Các Huyện đảo: Vân Đồn, Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh; Cát Hải, Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng; Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị; Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng; Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi; Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà; Phú Quý thuộc tỉnh Bình Định; Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu; Kiên Hải, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.

Trang 1/7

Tags: